< Trở lại

Những lưu ý khi tẩy quần áo màu

Dùng sai thuốc tẩy hoặc ngâm quá lâu... có thể khiến quần áo màu loang lổ đến mức phải bỏ đi.

Khác với quần áo trắng, những vết bẩn cứng đầu trên quần áo màu như dầu nhớt, bút bi, vết cà ri... cần biện pháp xử lý "mềm mỏng" hơn. Nếu không cẩn thận, chị em chưa kịp loại bỏ vết bẩn cũ đã phải lo "chữa cháy" cho đốm trắng mới.

Nước tẩy trắng chứa chlorine không phải là lựa chọn phù hợp cho quần áo màu. Sơ ý làm vấy một vài giọt nước tẩy trắng sang chậu đồ quần áo màu, chị Ngọc Hà (27 tuổi) chẳng thể cứu vãn bộ trang phục loang lổ của mình.

Nước tẩy chứa chlorime dễ làm hỏng quần áo màu. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Ngâm quá nhiều và quá lâu cũng là sai lầm phổ biến. Nước tẩy bình thường nếu dùng một liều lượng vừa phải và pha rất loãng vẫn có thể giúp bạn tẩy sạch vết bẩn trên quần áo màu. Tuy nhiên, chỉ cần cho quá tay một chút, chiếc áo mới có thể biến thành cũ ngay lập tức.

Chị Bảo Trâm (30 tuổi) từng áp dụng cách làm này để tẩy vết bút bi trên chiếc áo sơ mi màu xanh dương của ông xã. Vì vết mực quá đậm, lại nằm ngay đường gấp của túi áo nên chị Trâm quyết định cho thêm một chút nước tẩy. Chỉ sau một giờ đồng hồ ngâm, vết mực có phai nhưng màu áo bị loang và nhạt hơn.

Không những thế, thói quen lạm dụng thuốc tẩy khi giặt quần áo, vỏ gối, chăn mền... còn làm mục vải hoặc tạo ra các vết nổ li ti. Ngoài ra, mùi hăng khó chịu từ thuốc tẩy cũng gây ra tác hại khó lường cho sức khỏe. 

Ngâm quần áo quá lâu với nước tẩy thông thường làm mục sợi vải và loang màu.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Để tẩy các vết bẩn trên vải màu và khắc phục rủi ro, chị em nên sử dụng loại nước tẩy dành riêng cho quần áo màu. Nhờ thành phần chính là bột nở và oxy già, loại nước tẩy này làm sạch các vết bẩn bằng cách giải phóng phân tử khí oxy, giúp phá vỡ cấu trúc của các vết bẩn mà không gây mục vải, loang màu, mùi khó chịu, cũng như không kích ứng da, mắt, mũi... Nếu sử dụng thuốc tẩy chlorime, cần thận trọng và dùng đúng cách, đúng liều lượng.

An San